Lịch sử thế giới – CĐ1 – Bối cảnh quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ hai

Hoctai.vn vừa giới thiệu xong phần 1: Lịch sử Việt Nam, ở phần tiếp theo chúng ta cùng nhau tìm hiểu về Phần 2: Lịch sử thế giới, và ở bài này sẽ là: Chủ đề 1. Bối cảnh quốc tế sau chiến tranh thế giới thứ hai

 

CHỦ ĐỀ 1

BỐI CẢNH QUỐC TẾ SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI

  1. SỰ HÌNH THÀNH TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI SAU CHIẾN TRANH
  2. Hoàn cảnh lịch sử

– Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đã bước vào giai đoạn cuối với cuộc tấn công như vũ bão của Hồng quân Liên Xô đang tiến nhanh về Béc-lin. Nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách được đặt ra đối với các cường quốc Đồng minh. Đó là:

+ Nhanh chóng đánh bại hoàn toàn các nước phát xít;

+ Tổ chức lại trật tự thế giới mới sau chiến tranh;

+ Phân chia thành quả chiến thắng giữa các nước thắng trận.

– Trong bối cảnh đó, một hội nghị quốc tế được triệu tập tại I-an-ta (Liên Xô) từ ngày 4 đến 11-2-1945.

  1. Nội dung Hội nghị: Hội nghị đi tới những quyết định quan trọng:

– Xác định mục tiêu chung là tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. Để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, sau khi đánh bại nước Đức phát xít, Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật ở châu Á.

– Thành lập tổ chức Liên hợp quốc nhằm duy trì hoà bình và an ninh thế giới.

– Thoả thuận về việc đóng quân tại các nước nhằm giải giáp quân đội phát xít và phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu và châu Á.

Toàn bộ những quyết định của Hội nghị I-an-ta cùng những thoả thuận sau đó của ba cường quốc đã trở

thành khuôn khổ của trật tự thế giới mới, thường được gọi là Trật tự hai cực I-an-ta.

  1. SỰ THÀNH LẬP LIÊN HỢP QUỐC
  2. Hoàn cảnh lịch sử

Tại Hội nghị I-an-ta, các cường quốc đã quyết định thành lập tổ chức Liên hiệp quốc để bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới. Từ ngày 25 – 4 đến ngày 26 – 6 – 1945, một hội nghị quốc tế lớn đã họp tại Xan Phran-xi- xcô (Mĩ) với sự tham gia của đại biểu 50 nước để thông qua bản Hiến chương và tuyên bố thành lập Liên hợp quốc. 

  1. Mục đích

Mục đích của Liên hợp quốc là duy trì hoà bình và an ninh thế giới, phát triển các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc và tiến hành sự hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.

  1. Nguyên tắc hoạt động

– Bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc.

Xem tiếp:  Lịch sử thế giới - CĐ7. Tổng kết lịch sử thế giớI từ sau chiến tranh thế giới thứ 2

– Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước.

– Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kì nước nào.

– Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.

 

– Chung sống hoà bình và sự nhất trí giữa 5 nước lớn (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc).

  1. Các cơ quan

– Đại hội đồng: Gồm tất cả các nước thành viên, có quyền hành rộng rãi. Mỗi năm Đại hội đồng họp một

kì để thảo luận tất cả các vấn đề hoặc công việc thuộc phạm vi Hiến chương quy định.

– Hội đồng bảo an: Là cơ quan giữ vai trò trọng yếu hàng đầu trong việc duy trì hoà bình an ninh thế giới.

– Hội đồng kinh tế và xã hội: Là một cơ quan lớn gồm 54 thành viên với nhiệm kì 3 năm, có nhiệm vụ nghiên cứu, báo cáo và xúc tiến việc hợp tác quốc tế về các mặt kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế, nhân đạo… nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc.

– Hội đồng Quản thác: Là cơ quan giúp Đại hội đồng kiểm soát việc thi hành chế độ quản thác ở các lãnh

thổ mà Liên hợp quốc uỷ quyền cho một số nước quản lí.

– Toà án Quốc tế: Là cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc có nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp giữa các nước trên cơ sở luật pháp quốc tế. Toà án Quốc tế gồm 15 thẩm phán có 15 quốc tịch khác nhau, nhiệm kì 9 năm.

Xem tiếp:  Phần 1: Lịch sử Việt Nam - CĐ1. Những chuyển biến mới về kinh tế xã hội

– Ban Thư kí: Cơ quan hành chính – tổ chức của Liên hợp quốc, đứng đầu là Tổng Thư kí với nhiệm kì 5

năm.

Đến năm 2003, Liên hợp quốc có 191 quốc gia thành viên.

Từ tháng 9-1977, Việt Nam trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc.

III. SỰ HÌNH THÀNH HAI HỆ THỐNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới đã diễn ra dồn dập nhiều sự kiện quan trọng với xu hướng hình thành hai phe: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Hai phe ngày càng đối lập nhau gay gắt.

Tại Hội nghị Pốt-xđam (Đức, tháng 7, 8 – 1945), ba cường quốc đã khẳng định: nước Đức phải trở thành một quốc gia thống nhất, hoà bình, dân chủ; tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa phát xít; thoả thuận việc phân chia các khu vực chiếm đóng và kiểm soát nước Đức sau chiến tranh: quân đội Liên Xô chiếm đóng vùng lãnh thổ phía Đông nước Đức, Anh chiếm vùng Tây Bắc, Mĩ chiếm vùng phía Nam, Pháp chiếm một phần lãnh thổ phía Tây. Nhưng tháng 12 – 1946, Mĩ và Anh đã tiến hành riêng rẽ việc hợp nhất hai khu vực chiếm đóng của mình nhằm chia cắt lâu dài nước Đức. Cuối cùng, tháng 6 – 1949, Mĩ – Anh – Pháp đã hợp nhất các vùng chiếm đóng và lập ra Nhà nước Cộng hoà Liên bang (CHLB) Đức. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, các lực lượng dân chủ ở Đông Đức đã thành lập Nhà nước Cộng hoà Dân chủ (CHDC) Đức vào tháng 10 – 1949. Như vậy, trên lãnh thổ Đức đã xuất hiện hai nhà nước Đức với chế độ chính trị và con đường phát triển khác nhau.

Xem tiếp:  Lịch sử thế giới - CĐ5. Quan hệ quốc tế (1945 – 2000)

Trong những năm 1945 – 1947, các nước Đông Âu đã tiến hành nhiều cải cách dân chủ quan trọng như xây dựng bộ máy Nhà nước dân chủ nhân dân, cải cách ruộng đất, ban hành các quyền tự do dân chủ… Đồng thời, Liên Xô đã cùng các nước Đông Âu kí kết nhiều hiệp ước tay đôi về kinh tế như trao đổi buôn bán, viện trợ lương thực, thực phẩm. Tháng 1-1949, Hội đồng tương trợ kinh tế được thành lập. Qua sự hợp tác về chính trị, kinh tế, mối quan hệ giữa Liên Xô và các nước Đông Âu ngày càng củng cố, từng bước hình thành hệ thống các nước dân chủ nhân dân – xã hội chủ nghĩa.

 

Ở Tây Âu, hầu hết các nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Các nước này đều rất cần tiền vốn, thiết bị máy móc và hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm nhằm khôi phục nền kinh tế và giải quyết khó khăn trong đời sống nhân dân.

Vào lúc đó, Mĩ đề ra “Kế hoạch phục hưng châu Âu” (còn gọi là “Kế hoạch Mác-san”) nhằm viện trợ các nước Tây Âu khôi phục kinh tế, đồng thời tăng cường ảnh hưởng và sự khống chế của Mĩ đối với các nước này. Hệ thống tư bản chủ nghĩa cũng hình thành theo sự định hướng của Mĩ.

Link tải File:

Full_CHỦ ĐỀ 1. BỐI CẢNH QUỐC TẾ SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI_hoctai.vn.zip