Chủ đề 1: Xã hội nguyên thủy – Lịch sử lớp 10

LỊCH SỬ THẾ GIỚI NGUYÊN THỦY, CỔ ĐẠI

CHỦ ĐỀ 1: XÃ HỘI NGUYÊN THỦY

Mục tiêu

 Kiến thức

+        Biết được nguồn gốc loài người và quá trình chuyển biến từ vượn cổ thành Người tối cổ, Người tinh khôn.

+        Trình bày được những nét chính về đời sống vật chất, tinh thần và tổ chức xã hội của con người ở giai đoạn đầu của xã hội nguyên thủy.

+        Hiểu được đặc điểm tổ chức thị tộc và bộ lạc cùng mối quan hệ trong tổ chức xã hội đầu tiên của loài người.

+        Biết được các mốc thời gian quan trọng của quá trình xuất hiện kim loại và hệ quả xã hội của sự xuất hiện công cụ kim loại.

v  Kĩ năng

+         Phân tích, đánh giá, tổng hợp về đặc điểm của quá trinh tiến hóa của loài người; thấy được sự sáng tạo, phát triển không ngừng của xã hội loài người.

+         Phân tích và đánh giá về tổ chức xã hội thị tộc, bộ lạc, quá trình ra đời của kim loại – nguyên nhân – hệ quả,…

+         Tái hiện sự kiện lịch sử, xác định và giải quyết mối liên hệ, ảnh hưởng và tác động giữa các sự kiện.

+        Nhận xét đánh giá, liên hệ thực tế và rút ra bài học.

I. LÍ THUYẾT TRỌNG TÂM

QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA TỪ VƯỢN THÀNH NGƯỜI

1. Vượn cổ

– Thời gian tồn tại: khoảng 6 đến 15 triệu năm trước

– Đặc điểm:

+ Có thể đứng và đi bằng 2 chân.

+ 2 chi trước có thể cầm, nắm.

+ Ăn hoa quả, củ, lá và cả các động vật nhỏ.

– Địa điểm tìm thấy hóa thạch: Đông Phi, Tây Á, Đông Nam Á…

2. Người tối cổ

– Thời gian tồn tại: từ khoảng 4 triệu đến 4 vạn năm trước.

– Đặc điểm:

+ Hoàn toàn đi, đứng bằng 2 chân, đôi tay đã trở nên khéo léo.

+ Thể tích hộp sọ não lớn và hình thành trung tâm phát triển tiếng nói trong não.

+ Dáng đi lom khom, trán thấp, bợt ra sau, u mày cao.

– Địa điểm thấy di cốt: Đông Phi, Đông Nam Á, Trung Quốc, châu Âu…

– Đời sống:

+ Đời sống vật chất: Sử dụng đá ghè, đẽo thô sơ làm công cụ, sống chủ yếu nhờ săn bắt, hái lượm; biết làm ra lửa để sưởi và nướng chín thức ăn.

+ Đời sống tinh thần: đã có ngôn Nguyễnữ và mầm mống của tôn giáo, nghệ thuật nguyên thủy.

+ Tổ chức xã hội: sống thành từng bẩy, gồm 5 đến 7 gia đình (bầy người nguyên thủy).

3. Người tinh khôn

– Thời gian tồn tại: 4 vạn năm trước

– Đặc điểm: hình dáng và cấu tạo cơ thể hoàn thiện như người ngày nay, thể tích sọ não lớn, tư duy phát triển.

– Nơi tìm thấy di cốt: ở khắp các châu lục.

– Tư duy sáng tạo:

+ Cải tiến công cụ đồ đá: đá cũ (ghè thô sơ) → đá mới (ghè, mài nhẵn, đục lỗ tra cán,…)

+ Chế tác thêm công cụ mới: lao, cung tên,….

CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC XÃ HỘI CỦA CON NGƯỜI Ở THỜI KÌ NGUYÊN THỦY

1. Bầy người nguyên thủy

– Quan hệ hợp quần xã hội đầu tiên của con người.

– Tồn tại trong giai đoạn quá độ từ Người tối cổ sang Người tinh khôn.

– Đặc điểm:

+ Mỗi bầy gồm 5 – 7 gia đình có quan hệ ruột thịt, sống quây quần với nhau trong các hang động, mái đá hoặc dựng lều bằng cành cây, da thú.

+ Hình thức tuy còn sơ khai, song đã bước đầu thể hiện tính tổ chức:

·    Có người đứng đầu

·    Phân công lao động giữa nam và nữ: nam săn bắt, nữ hái lượm và nuôi dạy con cái.

– Đời sống con người:

+ Sử dụng các công cụ đá ghè đẽo thô sơ để săn bắt, hái lượm.

+ Xuất hiện những mầm mống của tôn giáo, nghệ thuật, nguyên thủy.

+ Quan hệ cộng đồng: bình đẳng cùng làm cùng hưởng.

2. Thị tộc, bộ lạc

– Thị tộc: là những nhóm người, gồm 2 đến 3 thế hệ già trẻ cùng có chung dòng máu, chung sống trên một địa bàn tương đối ổn định.

– Bộ lạc: là tập hợp một số thị tộc, sống cạnh nhau, có họ hàng với nhau và cùng có một nguồn gốc tổ tiên xa xôi.

– Giữa các thị tộc trong một bộ lạc thường có quan hệ gắn bó, giúp đỡ nhau.

– Đời sống con người:

+ Hợp tác lao động.

+ Mọi của cải, sinh hoạt, … được coi là của chung.

+ Công bằng, bình đẳng là “nguyên tắc vàng”.

BƯỚC TIẾN CỦA CÔNG CỤ LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG TỚI ĐỜI SỐNG KINH TẾ – XÃ HỘI CỦA CON NGƯỜI

1. Thời đại đồ đá

a/ Đồ đá cũ:

– Thời gian tồn tại: khoảng từ 4 triệu đến 1 vạn năm trước.

– Đá là nguyên liệu chính để chế tác công cụ.

– Phương pháp chế tác: ghè, đẽo thô sơ một mặt.

→ Kinh tế:

+ Năng suất lao động thấp, thức ăn kiếm được chưa nhiều, chưa đều đặn.

+ Hoạt động kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên (săn bắt, hái lượm,…).

+ Con người phải hợp tác lao động.

→ Xã hội:

+ Đời sống con người còn thấp kém, bấp bênh.

Xem tiếp:  Phần 1: Lịch sử thế giới thời nguyên thủy, cổ đại và trung đại

+ “Công bằng và bình đẳng” là nguyên tắc vàng trong quan hệ cộng đồng.

b/ Đồ đá mới:

– Thời gian tồn tại: khoảng từ 1 vạn đến 5500 năm trước.

– Kĩ thuật chế tác đá có bước phát triển: mài nhẵn, khoan, cưa, đục lỗ, tra cán,…

→ Kinh tế:

+ Năng suất lao động cao hơn so với thời đá cũ.

+ Hoạt động kinh tế có sự chuyển biến: săn bắn, hái lượm → trồng trọt, chăn nuôi → cuộc sống con người bớt lệ thuộc vào thiên nhiên.

+ Con người phải hợp tác lao động.

→ Xã hội:

+ Đời sống tinh thần phong phú hơn: làm sạch da thú để che thân; làm nhạc cụ,…

+ “Công bằng và bình đẳng” vẫn “nguyên tắc vàng”.

2. Thời đại kim khí

– Đồ sắt: Được cư dân Đông Nam Á, Tây Âu sử dụng từ 3000 năm trước.

– Đồ đồng thau: Được sử dụng từ 4000 năm trước.

– Đồ đồng đỏ: Được cư dân Tây Á, Ai Cập sử dụng từ khoảng 5500 năm trước.→ Kinh tế:

– Tạo nên một cuộc cách mạng trong sản xuất:

+ Tăng năng suất lao động.

+ Khai phá thêm đất đai trồng trọt.

+ Xuất hiện một số ngành sản xuất: đúc đồng, rèn sắt, đóng thuyền,…

– Tạo ra một lượng sản phẩm dư thừa thường xuyên.

→ Xã hội: Sự xuất hiện của tư hữu đã làm thay đổi quan hệ cộng đồng (phá vỡ nguyên tắc “công bằng – bình đẳng” và gia đình (gia đình phụ hệ xuất hiện). → Thúc đẩy xã hội nguyên thủy tan rã, đưa loài người đứng trước ngưỡng cửa của xã hội có giai cấp và nhà nước: xã hội cổ đại.

II. HỆ THỐNG CÂU HỎI ÔN LUYỆN

Ø CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM

Câu 1: Nguồn gốc xa xưa nhất của loài người là

A. Loài Vượn cổ.          B. Người tối cổ.                 C. Người vượn.                 D. Chúa tạo nên

Câu 2: Loài vượn cổ có thể đứng và đi bằng hai chân sống cách ngày nay

A. 4 triệu năm.              B. 5 triệu năm.                   C. 6 triệu năm.                   D. 7 triệu năm

Câu 3: Người tối cổ đã có phát minh lớn nào?

A. Biết giữ lửa trong tự nhiên.

B. Biết tạo ra lửa bằng cách ghè hai mảnh đá với nhau.

C. Biết chế tạo ra đồ đồng để sản xuất.

D. Biết sử dụng kim loại.

Câu 4: Đặc điểm tiến hóa của Người tối cổ so với loài Vượn cổ là

A. không còn vết tích Vượn cổ trên cơ thể.

B. hộp sọ nhỏ hơn.

C. hoàn toàn đi bằng hai chân.

D. hộp sọ lớn hơn, hình thành trung tâm phát triển tiếng nói trong não và hầu như hoàn toàn đi, đứng bằng hai chân.

Câu 5: Người tinh khôn xuất hiện cách đây khoảng

A. 3 vạn năm.               B. 5 triệu năm.                   C. 4 triệu năm.                   D. 4 vạn năm.

Câu 6: Đặc điểm nổi bật của Người tinh khôn là gì?

A. Đã bỏ hết dấu tích vượn trên người.

B. Là Người tối cổ tiến hoá.

C. Vẫn còn một ít dấu tích vượn trên người.

D. Đã biết tạo ra lửa để nấu chín thức ăn.

Câu 7: Thành tựu lớn nhất của Người tinh khôn là

A. tạo ra cuộc cách mạng đá mới.                           B. phát minh ra lửa.

C. biết trồng trọt và chăn nuôi.                               D. biết sử dụng kim loại.

Câu 8: Công cụ đá mới khác công cụ đá cũ ở chỗ

A. mảnh đá được bước đầu ghè đẽo.

B. mảnh đá được ghè một mặt cho sắc.

C. mảnh đá được ghè sắc, mài nhẵn thành hình công cụ.

D. mảnh đá được chế tác tinh xảo.

Câu 9: Tổ chức xã hội đầu tiên của con người gọi là

A. bầy người nguyên thủy.                                     B. thị tộc.

C. bộ lạc.                                                                 D. công xã thị tộc mẫu hệ.

Câu 10: Thời đại đồ đá mới được coi là một cuộc cách mạng vì

A. thời kì này xuất hiện những loại hình công cụ mới.

B. con người biết đan lưới đánh cá, biết làm đồ gốm tráng men.

C. thời kì này có những thay đổi căn bản trong kĩ thuật chế tác công cụ, làm xuất hiện những loại hình công cụ mới, dẫn tới sự thay đổi lớn lao trong đời sống và tổ chức xã hội.

D. Con người có những sáng tạo lớn về chất liệu công cụ, cuộc sống được cải thiện hơn.

Câu 11: Thế nào là thị tộc?

A. Là nhóm người có chung dòng máu.

B. Là nhóm người hơn 10 gia đình.

C. Là nhóm người láng giềng cùng chung sống với nhau.

D. Là nhóm ít người sống ở cùng địa bàn.

Câu 12: Thế nào là bộ lạc?

A. Là tập hợp các thị tộc.

B. Là những thị tộc có cùng chung nguồn nước.

C. Là tập hợp các thị tộc sống cạnh nhau, có họ hàng với nhau.

D. Là sự liên kết của các thị tộc.

Câu 13: Khi có sản phẩm dư thừa, ai là người chiếm đoạt của dư thừa đó?

A. Tất cả mọi người trong xã hội.

B. Những người có chức phận trong xã hội.

C. Người đứng đầu mỗi gia đình.

D. Những người làm ra nhiều của cải nhất.

Câu 14: Những biểu hiện nào dưới đây gắn liền với thị tộc?

Xem tiếp:  Bộ đề kiểm tra cuối kì - Học kì 2 - Lịch sử lớp 10

A. Những gia đình gồm 2 đến 3 thế hệ có cùng chung dòng máu.

B. Những người đàn bà giữ vai trò quan trọng trong xã hội.

C. Những người sống chung trong hang động, mái đá.

D. Những người đàn bà cùng hái lượm và trông giữ con cái.

Câu 15: Những biểu hiện nào dưới đây gắn liền với bộ lạc?

A. Tập hợp một số thị tộc.

B. Các thị tộc có quan hệ gắn bó với nhau.

C. Tập hợp một số thị tộc sống cạnh nhau, có quan hệ họ hàng gắn bó với nhau và cùng một nguồn gốc tổ tiên xa xôi.

D. Là nhóm người hơn 10 gia đình, có quan hệ gắn bó với nhau.

Câu 16: Ý nghĩa lớn nhất của sự xuất hiện công cụ bằng kim loại là gì?

A. Năng suất lao động tăng.                                   B. Khai thác thêm đất đai trồng trọt,

C. Thêm nhiều ngành nghề mới.                            D. Xuất hiện thêm nghề rèn sắt.

Câu 17: Vì sao tư hữu xuất hiện?

A. Người lợi dụng chức quyền chiếm của chung làm của riêng.

B. Sản phẩm làm ra dư thừa.

C. Chia sản phẩm không đồng đều.

D. Sự xuất hiện gia đình phụ hệ.

Câu 18: Tính cộng đồng trong xã hội nguyên thuỷ bị phá vỡ khi nào?

A. Sản phẩm thừa thường xuyên.                           B. Tư hữu xuất hiện.

C. Cuộc sống thấp kém.                                          D. Công cụ kim loại xuất hiện.

Câu 19: “Nguyên tắc vàng” trong xã hội nguyên thủy là gì?

A. Công bằng và bình đẳng.                                   B. Mọi người đều yêu thương nhau.

C. Mọi người cùng sống chung với nhau.              D. Con người chưa biết nghĩ đến cá nhân mình.

Câu 20: Tính cộng đồng trong xã hội ngày nay được biểu hiện như thế nào?

A. Tình làng nghĩa xóm.                                         B. Tinh thần đoàn kết, tương trợ.

C. Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu.           D. Nếp sống dân chủ, bình đẳng.

Ø CÂU HỎI TỰ LUẬN

Câu 1: Quan sát các bức tranh sau: (Nguồn: Internet)

Em hãy cho biết có những quan điểm nào về nguồn gốc loài người? Trình bày hiểu biết về các quan điểm đó và chỉ ra đâu là quan điểm được khoa học giáo dục hiện đại công nhận.

Câu 2: Hoàn thiện bảng so sánh sau:

Nội dung

Thời kì đá cũ

Thời kì đá mới

Thời gian

 

 

Chủ nhân

 

 

Kỹ thuật chế tác đá

 

 

Đời sống con người

 

 

Câu 3: Nối các nội dung ở cột A cho phù hợp nội dung ở cột B

A

B

1. Cách đây 6 triệu năm

a. Xuất hiện Người tối cổ

2. Cách đây 4 triệu năm

b. Xuất hiện người đứng thẳng

3. Cách đây 4 vạn năm

c. Xuất hiện Vượn cổ

4. Cách đây 1 vạn năm

d. Xuất hiện Người tinh khôn

 

e. con người bước vào thời đá mới

Câu 4: Tại sao lại gọi là “Cuộc cách mạng thời đá mới”?

Câu 5: Hãy cho biết những bước tiến trong lao động và đời sống của người nguyên thủy?

Câu 6: Hãy giải thích tính cộng đồng của thị tộc?

Câu 7: Tư hữu xuất hiện đã dẫn tới sự thay đổi trong xã hội nguyên thủy như thế nào?

PHẦN ĐÁP ÁN

  1. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM

1-A

2-C

3-B

4-D

5-A

6-A

7-A

8-C

9-A

10-C

11-A

12-C

13-B

14-A

15-C

16-A

17-A

18-C

19-A

20-B

B. CÂU HỎI TỰ LUẬN

Câu 1: Học sinh quan sát các bức tranh sau:

– Có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc loài người, ví dụ:

+ quan điểm của Ki-tô giáo: Chúa là người tạo ra muôn loài từ cát bụi, trong đó có người đàn ông đầu tiên là A – đam

+ quan điểm Hồi giáo: Thánh Alla là người tạo ra vạn vật, trong đó có con người.

+ quan điểm của Hin-đu giáo: Thần Brahma tạo ra con người từ các bộ phận khác nhau trên cơ thể của Thần.

+ Truyền thuyết Việt Nam: nguồn gốc người Việt là “Con rồng cháu tiên”.

+ quan điểm khoa học: khoa học hiện đại, đặc biệt là khảo cổ học và cổ sinh học đã tìm được bằng cứ nói lên sự phát triển lâu dài của sinh giới, từ động vật bậc thấp lên động vật bậc cao mà đỉnh cao của quá trình này là sự chuyển biến từ vượn thành nqười. Đây là quan điểm được khoa học giáo dục hiện đại công nhận rộng rãi.

Câu 2: Học sinh hoàn thiện bảng so sánh:

Nội dung

Thời kì đá cũ

Thời kì đá mới

Thời gian

4 triệu năm trước đây

1 vạn năm trước đây

Chủ nhân

Người tối cổ

Người tinh khôn

Kỹ thuật chế tác đá

Ghè, đẽo

Khoan, mài

Đời sống con người

Săn bắt, hái lượm

Trồng trọt, chăn nuôi

Câu 4: Tại sao lại gọi là “Cuộc cách mạng thời đá mới”?

– Vì trong thời kì đồ đá mới, kĩ thuật chế tác công cụ đã có sự phát triển vượt bậc, con người đã làm ra những công cụ tinh vi hơn, sắc bén hơn, đa dạng và phong phú về chủng loại. Nhờ đó năng suất lao động tăng lên nhanh chóng, việc trồng trọt và chăn nuôi phát triển.

Xem tiếp:  Chủ đề 2: Xã hội cổ đại - Lịch sử lớp 10

– Con người biết khai thác từ thiên nhiên cái cần thiết cho cuộc sống của mình, chứ không chỉ thu lượm những cái có sẵn trong thiên nhiên.

– Con người đã biết làm sạch những tấm da thú để che thân cho ấm, họ còn biết dùng đồ trang sức, sáng tạo nghệ thuật…

→ Cuộc sống của con người có sự cải thiện rõ rệt, nền văn minh cổ đại đã dần hình thành. Những thay đổi này mang tính chất một “cuộc cách mạng”.

Câu 5: Hãy cho biết những bước tiến trong lao động và đời sống của người nguyên thủy?

– Vượn cổ: sống cách đây 6 triệu năm, đã có thể đứng và đi và bằng hai chân, dùng tay để cầm nắm, ăn hoa quả, củ, lá và cả động vật nhỏ.

– Người tối cổ:

+ Khoảng 4 triệu năm trước đây, từ chỗ sử dụng những mảnh đá có sẵn để làm công cụ, Người tối cổ đã biết lấy những mảnh đá hay hòn cuội lớn, đem ghè một mặt cho sắc, vừa tay cầm. Như vậy, họ đã bắt đầu biết chế tác công cụ.

+ Từ chỗ giữ lửa, lấy lửa trong tự nhiên để sưởi ấm và nướng chín thức ăn, con người đã biết ghè hai mảnh đá với nhau để lấy lửa, cải thiện căn bản đời sống của mình.

+ Qua lao động, chế tạo công cụ và sử dụng công cụ, bàn tay con người khéo léo dần. Cơ thể cũng do đó biến đổi theo để có tư thế lao động thích hợp. Tiếng nói cũng thuần thục hơn do nhu cầu trao đổi với nhau.

+ Người tối cổ đã sống trong tổ chức xã hội đầu tiên của mình là bầy người nguyên thủy. Bầy người nguyên thủy gồm khoảng 5 – 7 gia đình sống quây quần theo quan hệ ruột thịt với nhau. Họ cùng nhau lao động, tìm kiếm thức ăn (hái lượm, săn bắt) và đấu tranh chống thú dữ để bảo vệ. Trong bầy người nguyên thủy đã có sự phân công công việc giữa nam và nữ.

– Người tinh khôn (Người hiện đại):

+ Xuất hiện khoảng 4 vạn năm trước đây. Người tinh khôn đã biết ghè hai rìa của một mảnh đá, làm cho nó gọn và sắc cạnh hơn, dùng làm rìu, dao, nạo.

+ Con người đã biết chế tạo cung tên, săn bắn đã xuất hiện.

+ Thức ăn của con người đã tăng lên đáng kể, nhất là thức ăn động vật. Con người đã rời những hang động ra dựng lều, định cư ở những địa điểm thuận lợi hơn. Họ đã biết đến cư trú “nhà cửa” từ cuối thời đá cũ.

+ Bước vào thời đá mới, con người đã từ săn bắn, hái lượm, đánh cá đã tiến tới trồng trọt và chăn nuôi. Đời sống vật chất và tinh thần của người nguyên thủy đã có sự phát triển nhanh chóng, con người đứng trước ngưỡng cửa của nền văn minh.

Câu 6: Hãy giải thích tính cộng đồng của thị tộc?

– Trong thị tộc, con cháu có thói quen tôn kính ông bà, cha mẹ. Ngược lại, ông bà, cha mẹ đều chăm lo, bảo đảm nuôi dạy tất cả con cháu của thị tộc.

– Yêu cầu của công việc và trình độ lao động thời nguyên thủy đòi hòi sự hợp tác lao động của nhiều người, của cả thị tộc (ví dụ: việc săn đuổi, săn bẫy các con thú lớn, thú chạy nhanh luôn đòi hỏi sự phân công lao động hợp lý, sự “chung lưng đấu cật”, mỗi người mỗi việc, phối hợp ăn ý với nhau).

– Con người được hưởng thụ bằng nhau, vì thức ăn chưa kiếm được nhiều, chưa đều đặn, mọi người đều cùng phải cố gắng để sinh tồn.

Như vậy, trong thị tộc không chỉ có sự hợp tác mà mọi của cải, mọi sinh hoạt được coi là của chung, việc chung, làm chung, ăn chung.

Câu 7: Tư hữu xuất hiện đi dẫn tới sự thay đổi trong xã hội nguyên thủy như thế nào?

– Thứ nhất: Chế độ tư hữu xuất hiện phá vỡ quan hệ cộng đồng vốn bình đẳng và hoạt động theo nguyên tắc vàng trong hàng triệu năm trước đó. Từ chỗ mọi thành viên đều bình đẳng trong lao động và phân chia sản phẩm thì nay đã bắt đầu có những bộ phận đặc quyền, chiếm đoạt làm của riêng các của cải dư thừa của công xã, vì thế mà trở nên giàu có, hình thành đẳng cấp có địa vị, quyền lực và tài sản khác biệt với đại bộ phận còn lại. Đây là cơ sở của bất bình đẳng xã hội, hình thành các giai cấp và đẳng cấp.

– Thứ hai: Tư hữu phá vỡ quan hệ cộng đồng, cũng đồng thời tác động đến hình thức tổ chức các gia đình và cơ chế vận hành của nó. Trước đây, các gia đình mẫu hệ, song do sự phát triển địa vị kinh tế, xã hội của người đàn ông mà vị thế của họ trong gia đình được nâng cao, trở thành trụ cột. Từ đó, xuất hiện các gia đình phụ hệ, con cái lấy theo họ cha.

Chủ đề 1. XÃ HỘI NGUYÊN THỦY.doc